Ô nhiễm không khí làm tăng tỷ lệ tự tử.
Tỷ lệ tự tử tại Trung Quốc đang giảm dần nhờ các chính sách của chính phủ Trung Quốc như chuyển đổi về văn hóa, tăng thu nhập. Tuy nhiên, nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng ô nhiễm không khí và tình hình tự tử có mối liên hệ mật thiết. Nguồn: iamlukyeee/Shutterstock.com
Mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí và sức khỏe thể chất đã được xác định rất rõ ràng, nhưng trong những năm gần đây, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy bằng chứng cho thấy nó cũng có hại cho sức khỏe tinh thần của con người, bao gồm việc làm tăng tỷ lệ tự tử. Tiến sĩ Tamma Carleton của Đại học California, Santa Barbara cho biết trong một tuyên bố: “Một trong những thách thức lớn về vấn đề này là ô nhiễm không khí liên quan đến rất nhiều yếu tố”. Ví dụ, chất lượng không khí giảm xuống vào các ngày trong tuần so với cuối tuần, nhưng khó có thể cho rằng tình trạng ô nhiễm sẽ tăng tỷ lệ tự tử.
Carleton nói: “Mục tiêu của chúng tôi là tách biệt tác động của ô nhiễm đối với hành vi tự tử, loại bỏ tất cả những yếu tố khác liên quan”. Cùng với các đồng nghiệp, Carleton đã khám phá những giai đoạn mà ô nhiễm (được đo thông qua mức độ hạt có đường kính 2,5 micron trở xuống, gọi là PM2.5) tăng lên mà không có yếu tố nào khác thay đổi, nhờ sự đảo ngược nhiệt độ (nghịch nhiệt). Những hiện tượng này xảy ra khi ô nhiễm không khí ở gần mặt đất bị giữ lại trong một lớp không khí lạnh bị lớp nóng hơn ở bên trên kìm hãm. Một số thành phố nằm gần quả đồi dễ xảy ra hiện tượng đảo ngược này do nằm gần những quả đồi.
Các nhà khoa học nhận thấy sự đảo ngược này thường chỉ kéo dài vài giờ, nhưng có thể tăng nồng độ trung bình tuần của các hạt mịn trong không khí lên khoảng 1%.
Nghiên cứu trước đó cũng phát hiện ra rằng những hạt mịn này có thể di chuyển thẳng lên não, làm biến đổi hoạt động hóa học của não trong vòng 24 giờ, dẫn đến suy giảm sức khỏe tâm thần và có thể làm suy yếu việc điều hòa cảm xúc của con người về lâu dài.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy tỷ lệ tự tử tăng lên rõ ràng trong vòng một tuần sau khi xảy ra hiện tượng nghịch đảo nhiệt, nhưng hiệu ứng này không kéo dài quá 7 ngày. Báo cáo nghiên cứu viết: "Đây là những vụ tự tử bổ sung, tức là những cái chết lẽ ra không bao giờ xảy ra nếu chất lượng không khí không suy giảm."
Carleton bắt đầu quan tâm đến câu hỏi này sau khi chỉ ra rằng thời tiết nóng làm tăng số vụ tự tử ở Ấn Độ – một phát hiện đáng lo ngại trong khi thế giới đang nóng lên. Tuy nhiên, tác giả cũng nhận thấy rằng tỷ lệ tự tử đang giảm trên toàn cầu, bất chấp nhiệt độ tăng cao và tỷ lệ này ở Trung Quốc đang giảm nhanh hơn hầu hết mọi nơi khác. Sự suy giảm ô nhiễm không khí ở các thành phố của Trung Quốc, do việc thay thế các lò đốt than cũ bằng công nghệ sạch hơn, chiếm một tỷ lệ đáng kể trong số này.
Phát hiện này là tin tuyệt vời cho Trung Quốc. Mặc dù ô nhiễm không khí đã giảm nhiều nhưng nó sẽ giảm hơn nữa khi việc sản xuất bằng năng lượng mặt trời và gió sẽ dần thay thế sản xuất than. Trong khi đó, ô tô điện hiện đang phổ biến ở Trung Quốc đến mức số lượng xe chạy bằng xăng và dầu diesel cũng sẽ sớm đạt đỉnh và giảm xuống.
Đây không phải là một phát hiện tích cực đối với những nơi có ô nhiễm vẫn đang gia tăng, nhưng nó cho thấy vẫn còn nhiều lợi ích hơn nếu các quốc gia này có thể bỏ qua giai đoạn công nghiệp hóa sử dụng năng lượng hóa thạch và chuyển thẳng sang năng lượng tái tạo.
Carleton nói: “Chúng ta thường nghĩ về vấn đề tự tử và sức khỏe tâm thần như một vấn đề cần được hiểu và giải quyết ở cấp độ cá nhân. Kết quả này chỉ ra vai trò quan trọng của chính sách công, chính sách môi trường, trong việc giảm thiểu các cuộc khủng hoảng về sức khỏe tâm thần và tự tử ngoài sự can thiệp ở cấp độ cá nhân.”
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Sustainability.
Nguồn: https://www.nature.com/articles/s41893-024-01281-2
- Log in to post comments