Nhảy đến nội dung
x

Vi khuẩn ăn thịt người

Vi khuẩn có ăn thịt người được không?
Trong quá trình phát triển, vi khuẩn sinh sôi phát triển trong cơ thể người sẽ tạo ra các phản ứng (một là đáp ứng của độc tố của vi khuẩn tiết ra, và hai là đáp ứng của cơ thể ta chống lại vi khuẩn) nói đúng ra là hai bên đánh nhau, mà đã đánh nhau thì sẽ có bãi chiến trường. Và kết quả bãi chiến trường này sẽ để lại những tổn thương cơ quan của con người, như tụ cầu gây hỏng van tim hay làm sưng tay, phế cầu liên cầu làm hỏng phổi, não mô cầu làm hỏng não... Tóm lại thì vi khuẩn nào cũng ăn hết cả.
Vi khuẩn được cho là có khả năng “ăn thịt người” gây ra bệnh Whitmore… Thực ra, gán cho con vi khuẩn này là “ăn thịt người” (flesh eating bacteria) là không đúng, đây là “nickname” của vi khuẩn Vibrio vulnificus, chúng có khả năng làm hoại tử mô khi chúng gây nhiễm (nên chúng ta có cảm giác chúng đang ăn thịt). Còn vi khuẩn gây bệnh Whitmore là vi khuẩn khác có tên là Burkholderia pseudomallei, gây chết người do viêm phổi, nhiễm trùng máu và trong trường hợp nặng nhất là suy nội tạng khi không được điều trị kịp thời và đúng cách vì vi khuẩn này có khả năng kháng tự nhiên nhiều loại kháng sinh thông thường, trong khi đó hệ miễn dịch của cơ thể không chống lại chúng một cách hữu hiệu. Chỉ có một số kháng sinh có tác dụng. 

vikhuan.jpg


Hình 1. Một bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn Burkholderia pseudomallei (Ảnh từ nguồn https://vnreview.vn/tin-tuc-khoa-hoc-cong-nghe/-/view_content/content/2930906/vi-khuan-an-thit-nguoi-vi-sao-dang-gia-tang-nhanh-chong-o-viet-nam)
Vi khuẩn này đã được trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh của Mỹ (CDC – Centers for Disease Control and Prevention) liệt kê vào đối tượng có nguy cơ sử dụng như khủng bố sinh học (Bioterrorism) vì tính nguy hiểm của chúng. Theo số liệu thống kê CDC cho biết người nhiễm vi khuẩn B. pseudomallei nếu không được điều trị, cứ 10 người thì có tới 9 người chết. Trong khi đó, những người được điều trị đúng kháng sinh, thì vẫn có khoảng 4 trong số 10 người tử vong, còn nếu được điều trị trong cơ sở y tế với chăm sóc tích cực có thể giảm tỉ lệ người chết còn dưới 2 trong 10 người (https://www.cdc.gov/melioidosis/bioterrorism/threat.html).
Đặc điểm vi khuẩn B. pseudomalleis
Dựa trên đặc điểm phân loại, chi (genus) Burkholderia, được mô tả đầu tiên bởi Walter H. Burkholder tại Đại học Cornell, bao gồm hơn 60 loài hiếu khí bắt buộc, không hình thành bào tử, Gram âm, hình que, thẳng hoặc hơi cong. Trong khi phần lớn các loài Burkholderia không được coi là gây bệnh thì loài B. pseudomallei là tác nhân gây bệnh Whitmore. 
 

vikhuan2.png


Hình 2. B. pseudomallei trên môi trường thạch Ashdown (Ảnh từ nguồn https://idmic.net/2018/08/08/burkholderia-pseudomallei-review-including-laboratory-aspects/)
Sự hiện diện của vi khuẩn B. pseudomalleis
Bệnh Whitmore thường xảy ra ở miền bắc Australia, Papua New Guinea, Đông Nam Á, ở hầu hết các tiểu lục địa Ấn Độ, và ở miền nam Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan. Ở những vùng này, B. pseudomallei có trong đất, bùn bẩn và nước mặt (ao, hồ, kênh rạch, mương) bị ô nhiễm. Hầu hết dịch bệnh xuất hiện nhiều vào mùa mưa. 
Đường lây nhiễm 
Đường lây nhiễm chủ yếu là do hít phải bụi bẩn, giọt nước hoặc uống phải nước bị ô nhiễm chứa vi khuẩn này và tiếp xúc với đất bị ô nhiễm chứa vi khuẩn, đặc biệt là qua các vết trầy xước trên da. Whitmore có thể lây từ người sang người nhưng cực kỳ hiếm. Việc lây nhiễm giữa người với người rất khó xảy ra trong quan hệ thường ngày, chỉ có thể xảy ra qua quan hệ tình dục, hoặc sử dụng chung kim chích.
Do vậy, trong vùng nhiễm nên tránh tiếp xúc trực tiếp với đất hoặc nước tù (nước trong ao hồ, ruộng, ổ gà, ổ voi,…). Người phải tiếp xúc với đất và nước nên sử dụng ủng cao su, găng tay cao su để tránh tiếp xúc trực tiếp. Gia súc và thú nuôi cũng có thể bị nhiễm bệnh này.
Triệu chứng bị nhiễm 
Bệnh Whitmore được mệnh danh là “Người bắt chước vĩ đại” (the Great Imitator) do không có hội chứng lâm sàng bệnh lý đặc hiệu và các triệu chứng lâm sàng thường rất giống với các bệnh khác như bệnh lao phổi, bệnh cúm, sốt,… Vì thế nhiều trường hợp đã không phát hiện bệnh này sớm mà nhầm lẫn với các bệnh khác. Có nhiều dạng của nhiễm khuẩn của Burkholderia, với các triệu chứng khá đa dạng.  Các dấu hiệu đa phần không điển hình, dễ lẫn với các bệnh lý lở loét, hô hấp, áp xe, nhọt, viêm mô bào khác.
Nhìn chung khó phân biệt. 
Thời gian nhiễm - khởi phát bệnh chưa rõ ràng: từ vài ngày đến vài năm. Thời gian ủ bệnh thường từ 1 đến 21 ngày, trung bình là 9 ngày. Mức độ nghiêm trọng của bệnh dựa vào tình trạng nhiễm trùng. 
? Nhiễm trùng cục bộ (thường trên da): Đau hoặc sưng cục bộ, sốt, loét, áp xe.
? Nhiễm trùng phổi: Ho, đau ngực, sốt cao, đau đầu, chán ăn. 
? Nhiễm trùng máu: Sốt, đau đầu, suy hô hấp, khó chịu ở bụng, đau khớp, mất phương hướng.
? Nhiễm trùng lan rộng: Sốt, giảm cân, đau dạ dày hoặc ngực, đau cơ hoặc khớp, đau đầu, động kinh.
Người bệnh tiểu đường, bệnh phổi mãn tính, bệnh thận mãn tính và ung thư có nguy cơ tử vong cao hơn khi nhiễm vi khuẩn này.
Phương pháp phát hiện
Phương pháp phát hiện bằng nuôi cấy khuẩn vẫn là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán bệnh Whitmore. Các bác sĩ phải thông báo cho phòng thí nghiệm lâm sàng về các trường hợp nghi ngờ trước khi gửi mẫu chẩn đoán để đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng ngừa an toàn sinh học thích hợp để ngăn ngừa phơi nhiễm trong phòng thí nghiệm. CDC khuyến nghị nuôi cấy máu, dịch cổ họng và nước tiểu trên tất cả các bệnh nhân nghi ngờ mắc bệnh Whitmore, bất kể triệu chứng của họ. Mẫu bệnh phẩm từ các vị trí nhiễm cục bộ, chẳng hạn như đờm, gạc bề mặt và dịch hút từ áp xe, cũng nên được thu thập.
Cách điều trị
Đây là một quá trình bệnh kéo dài và thường cần một quá trình điều trị kháng sinh kéo dài, thường bao gồm 10 đến 14 ngày dùng ceftazidime, meropenem hoặc imipenem trong 3-6 tháng. Sự tuân thủ điều trị là rất quan trọng vì để tránh biến chứng nghiêm trọng của bệnh. Do vi khuẩn có khả năng tồn tại trong tế bào nên khả năng bệnh tái phát sau một khoảng thời gian sau điều trị là có thể xảy ra. Tỉ lệ tái phát của bệnh là từ 5% đến 25% trường hợp. Hiện nay chưa có vaccine để chủng ngừa cho bệnh này!
Dự phòng thế nào?
Ở các vùng lưu hành nguồn bệnh (như gần đây là Nghệ An) thì tiếp xúc trực tiếp với nước, đất bẩn là nguy cơ rõ ràng của lây nhiễm.
- Tránh chơi, bơi ở bùn lầy đất bẩn, đất nông nghiệp, ao tù nước đọng, ao nuôi cá nuôi tôm... Nhất là tại vùng đang có ca bệnh.
- Các bạn nhỏ (và cả người lớn) đang có vết thương hở, xước xát chân tay hoặc viêm loét của bệnh mạn tính (đái tháo đường, bệnh thận) KHÔNG nên chơi, tiếp xúc trực tiếp với nước đọng, đất bẩn. 
- Các bạn nhà làm nông nghiệp có phụ giúp bố mẹ thì nên đi ủng cao su để phòng tránh.
- Nếu bị xước sát trong khi chơi, làm việc thì cần vệ sinh sạch với xà phòng, qua trạm y tế để xử lí phù hợp (sát trùng, tiêm SAT, dùng kháng sinh tùy mức độ...) và theo dõi tiến triển hình thành mưng mủ, sưng đau... để đi khám kịp thời. Đồng thời nhớ báo với bác sĩ về tiền sử có xây xước khi chơi với đất bẩn.
- Không được chủ quan lơ là các vết thương, hay triệu chứng bệnh dù nhỏ nhất. 
Tóm lại, đây là một loại vi khuẩn nguy hiểm, tuy nhiên việc phòng tránh không quá khó khăn, mọi người chỉ cần cẩn thận là có thể an toàn. Nếu bị nhiễm thì cần được điều trị đúng cách và phải theo suốt quá trình điều trị, không được bỏ ngang. 
Tổng hợp từ bài viết của TS. Nguyễn Hồng Vũ (Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, USA) và BS. Đỗ Tiến Sơn (BV Nhi Trung Ương).

Tài liệu tham khảo:
https://www.cdc.gov/melioidosis/index.html
https://idmic.net/…/burkholderia-pseudomallei-review-inclu…/
https://www.cdc.gov/mmwr/volumes/66/wr/mm6637a8.htm
https://www.ndhealth.gov/Disease/Documents/…/Melioidosis.pdf
Hemarajata P et al., 2016. Burkholderia pseudomallei: Challenges for the Clinical Microbiology Laboratory. J Clin Microbiol. 54:2866-2873.
Mariappan V et al., 2017. Host-Adaptation of Burkholderia pseudomallei Alters Metabolism and Virulence: a Global Proteome Analysis. Sci Rep. 7:9015.
Tham vấn tham luận của BSNT. Trần Long
Tham khảo hướng dẫn của CDC trong dự phòng tác chiến khủng bố sinh học do Burkholderia pseudomalei
https://www.cdc.gov/melioidosis/bioterrorism/threat.html