Cà phê pha trộn hóa chất
1. Tại sao có cà phê hóa chất?
Sự khan hiếm của cà phê nguyên chất:
Người Pháp đưa cây cà phê vào Việt Nam lần đầu tiên năm 1857, và bắt đầu được trồng nhỏ lẻ ở một vài vùng phía Bắc để xuất khẩu sang Pháp. Đến đầu thế kỷ 20, cây cà phê mới được trồng nhiều và phát triển ở một số đồn điền người Pháp tại Phủ Quỳ (Nghệ An), và một số nơi ở Tây Nguyên. Sau khi đất nước thống nhất năm 1975, tổng diện tích cà phê Việt Nam được khoảng hơn 10.000 ha. Khi ấy, cà phê là một trong những mặt hàng chiến lược mà Nhà nước độc quyền xuất khẩu. Do vậy, cà phê lưu chuyển bên ngoài đều bị coi là hàng lậu. Thói quen uống cà phê rất khó bỏ, bởi thế mà những “sáng kiến” tạo ra một thứ gần giống với cà phê ra đời.
Ban đầu, người rang xay cà phê, trộn thêm các hạt cà phê mẻ, hạt xấu vì chúng rẻ hơn và dễ được bỏ qua hơn ở các trạm kiểm soát. Thế nhưng cũng đến lúc những hạt này cũng hiếm dần, người ta lại nghĩ đến việc trộn vỏ dày của cà phê vào, dẫu sao thì nó cũng có chút hơi hướm cà phê trong đó. Và thế là “cà phê” dùng lại từ bã cà phê đã pha, “cà phê” hạt bắp rang đen ra đời.
Thế nhưng, khởi thủy cà phê trộn chỉ thêm vào những thành phần tự nhiên. Hiểu theo nghĩa tích cực thì cũng chỉ là một loại cà phê thứ hạng, hoặc một loại cà phê có thêm tạp chất từ đậu tương hay hạt bắp mà thôi. Những người quen với cà phê đặc sánh lưu truyền từ thời gian trước có thể tìm đến những quán cafe cổ ở Hà Nội, với công thức trộn riêng biệt, gia truyền.
Sự rang trộn vì lợi nhuận bất chính và vì thị hiếu người tiêu dùng:
Còn lại, một con số phần trăm rất lớn, là những loại cà phê trộn với hóa chất, thứ phẩm, theo một quy trình rang xay vô cùng mất vệ sinh. Nếu trên thế giới, sau khi vượt qua giai đoạn khan hiếm, cà phê được trả lại đúng hương vị nguyên chất của nó, và những sản phẩm thay thế được dùng với mục đích khác; thì ở Việt Nam, từ nguyên nhân dễ thông cảm ấy lại hình thành nên một thói quen có hại mà khó sửa.
Để làm ra một kg cà phê thật mất từ 1,6 – 1,8kg hạt cà phê nguyên liệu, giá hiện tại loại rẻ nhất (độ dài hạt hơn 5mm) cũng gần 40.000 đồng/kg. Cộng thêm chi phí rang xay, đóng gói, vận chuyển…, và cho dù lậu thuế, một kg cà phê thành phẩm đã ở mức từ 100 – 110 ngàn đồng. Dưới mức này một chút là pha trộn (thêm bắp, đậu) và dưới nữa là không cà phê.
Năm ngoái, chủ một chuỗi cà phê rang xay tại chỗ ở Sài Gòn cũng chung nhận định, nhiều cơ sở đang bán cà phê bột với giá từ 45 – 60 ngàn/kg với hoa hồng từ 15 – 20%, chỉ là cà phê bẩn (bột ngũ cốc tẩm hoá chất). Để làm ra một ký cà phê nguyên chất (hạt) loại rẻ, chi phí đã lên đến khoảng 120 ngàn đồng (gồm: giá nguyên liệu, tỷ lệ hao hụt khi rang tẩm 30 - 40%, chi phí chế biến 10%, phân phối 20%...).
Ngược lại, chi phí cho một kg cà phê dỏm khoảng 30.000 đồng. Nếu rang khoảng 700g đậu nành, 500g bắp, 100g hạt cà phê (nếu không cà phê thì tăng đậu nành) cộng với hóa chất sẽ được 1kg cà phê bột. Với giá thành từ 45 – 60 ngàn đồng/kg, loại cà phê này bán dễ hơn – lợi thế cạnh tranh – so với cà phê thật. Tất nhiên, từ nhà sản xuất đến nhà phân phối kiếm lợi nhiều hơn.
Cà phê bẩn từ đậu nành+hóa chất
Người ta đã quen và chấp nhận với một thức uống tạm gọi là “giông giống cà phê”. Đó có thể là đậu nành để “cà phê” có thêm vị béo, đặc; là bắp rang cháy để “cà phê” có màu đen và đắng; là chất tạo bọt trong xà phòng khiến ta có cảm giác đang uống cà phê thật, và nhiều loại hóa chất không thể ngờ tới. Một số người chuộng vị đậm của cà phê, quậy lên có bọt nhiều, và phải sánh, đen kịt thì mới …ngon. Do đó, một số hóa chất cũng được thêm vào để đáp ứng nhu cầu.
Ly cà phê bẩn điển hình có chất tạo bọt
2. Một số hóa chất để chế cà phê độn
Hóa chất để chế cà phê bẩn.
Người ta còn sắc nước hạt cau để lấy chất tannin thêm vào để làm tăng vị đắng cho giông giống cà phê. Sau để tăng vị đắng có dùng một số chất như thuốc ký ninh.
Còn chất tạo bọt thường dùng là Sodium lauryl sunlfate, loại làm nước rửa chén, dầu gội đầu... Chất tạo bọt Sodium lauryl sunlfate chỉ dùng trong công nghiệp, không được dùng cho thực phẩm bởi nó độc hại và có nguy cơ gây ung thư.
Để tạo hương cũng sử dụng hương cà phê hóa học.
Để tăng độ sánh người ta thường thêm các chất tạo độ đặc như CMC.
Để có màu đen thì rang cháy bắp và đậu nành (sẽ có nguy cơ sinh các chất độc hại) và thêm caramel.
Như vậy, ly cà phê bẩn sẽ chứa nhiều nguy cơ gây nguy hiểm cho sức khỏe con người.
3. Làm thế nào có cà phê an toàn?
Nước ta là nước đứng thứ nhì thế giới về sản lượng cà phê mà để phải uống cà phê bẩn là một điều vô lý cần phải khắc phục ngay. Một số biện pháp có thể tiến hành để có cà phê an toàn là:
Tự rang xay cà phê để uống, có một số cách phối trộn tỉ lệ cà phê Robusta và Arabica cho chất lượng cà phê khá tốt.
Mua của những nhà sản xuất uy tín có nhãn mác, công bố thành phần rõ ràng.
Cơ quan chức năng cần có biện pháp mạnh tay hơn trong xử phạt cà phê bẩn. Cần có hiệp hội người tiêu dùng để tự giám sát sản phẩm của người tiêu dùng.
Cần có cơ quan kiểm nghiệm các hóa chất này và quy trình sản xuất cà phê sạch từ nông trại tới ly cà phê uống.
Cà phê rang xay có kiểm soát
Tài liệu tham khảo:
1. https://thanhnien.vn/thoi-su/phong-su-dieu-tra/hai-hung-ca-phe-deu-289963.html.
Truy cập: 16/6/2018
2.https://thanhnien.vn/thoi-su/hai-hung-ca-phe-deu-ky-2-dau-nanh-15-hoa-chat-ca-phe-484835.html Truy cập: 16/6/2018
3.http://specialtycoffee.vn/vi/kien-thuc/79-ca-phe-tron-tu-nguyen-nhan-khach-quan-thoi-quen-den-su-ham-loi.html Truy cập: 16/6/2018
- Log in to post comments