Nhảy đến nội dung
x

Thuốc tạo nạc trong chăn nuôi heo

Trong thời gian gần đây, khi thông tin việc sử dụng chất cấm hay chất tăng trọng, chất tạo nạc trong chăn nuôi heo được thông tin rộng rãi và nhiều chiều, khiến nhiều người tiêu dùng đã quay lưng lại với loại thịt này, đãn đến việc hàng loạt trại chăn nuôi lâm vào cảnh điêu đứng do heo rớt giá, không tiêu thụ được. Vậy các chất hoá học thường được sử dụng để tăng trọng cho heo và các tác hại của chúng cũng như cách nhận biết thịt heo bẩn như thế nào là chính xác. Bài báo hi vọng sẽ đưa ra được một cái nhìn cận cảnh hơn về vấn đề xã hội đang gây bức xúc này.

I. KHÁI NIỆM VÀ PHÂN LOẠI

Chất tăng trọng hay chất tạo nạc là một hợp chất hóa học thuộc họ β- agonist được xếp vào loại chất độc cấm sử dụng trong chăn nuôi trên toàn thế giới. Họ β-agonist gồm 2 nhóm:

 Nhóm β1-agonist: gồm các chất có tác dụng kích thích tim, được dùng để điều trị sốc tim, suy tim cấp tính như Dobutamine, Isoproterenol, Xamoterol, Epinephrine….

 Nhóm β2-agonist: Gồm các chất làm giãn cơ, được dùng để điều trị hen suyễn, bệnh phổi mãn tính: Salbutamol(Albuterol), Clenbuterol, Ractopamine,Epinephrine(thúc chín tố), Fenoterol,Formoterol,Isoproterenol(β1and β2), Metaproterenol,Salmeterol, Terbutaline, Clenbuterol,Isoetarine, pirbuterol, procaterol, ritodrine, epinephrine.

Trong những chất kể trên thì Salbutamol, Clenbuterol và Ractopamine là ba chất đứng đầu trong danh mục 18 chất kháng sinh, hóa chất bị cấm sử dụng trong chăn nuôi.

Họ β-agonist là các hợp chất tổng hợp phenethanolamine được sử dụng như là một tác nhân dùng để trị các bệnh về hô hấp trong y học. Chúng còn có tác dụng làm tăng hàm lượng protein, kích thích tăng trưởng nhờ quá trình chuyển hóa hàm lượng mỡ tích tụ thành các mô cơ ở vật nuôi. Tuy nhiên chúng lại gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người khi tiêu thụ những thức ăn có nguồn gốc từ động vật bị nhiễm các chất này, gây ra những vụ ngộ độc thực phẩm do sự tích tụ trong gan, các bệnh liên quan đến tim mạch, hệ thần kinh trung ương…Sở dĩ như vậy là do các hợp chất này được sử dụng như là một chất kích thích tăng trưởng, phân phối lại dưỡng chất trong vật nuôi một cách quá mức và bất hợp pháp.

II. SỬ DỤNG VÀ TÁC HẠI

Họ β- agonist là một trong những hợp chất dùng trong chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi heo để kích thích heo tăng trưởng và cho thịt siêu nạc. Với thuốc salbutamol (dùng ở người), các chuyên gia khuyến cáo phải thận trọng khi dùng cho người đang có bệnh tim mạch như tăng huyết áp, bệnh tiểu đường và phụ nữ đang mang thai.

Để heo nhanh lớn, siêu nạc, dễ bán, một số người chăn nuôi thường dùng các chất Clenbuterol và salbutamol. Hai chất này thuộc nhóm beta agonist có tác dụng làm giãn phế quản, được dùng làm thuốc chữa bệnh hen suyễn ở người. Tác dụng phụ của hai chất này làm cho heo nở nang, tăng trọng nhanh, nhất là tăng lượng nạc. khi heo được cho ăn các chất trên thì sẽ siêu nạc, tiêu lượng mỡ, và nếu không bán nhanh thì heo sẽ chết. Do vậy, thường người ta chỉ cho dùng các chất trên khi heo gần đến ngày xuất chuồng.

1.jpg
2.jpg
Những con heo ăn phải hóa chất thì mông vai căng tròn, chân yếu 

Clenbuterol là chất độc chất giúp tăng trọng gia súc, nguy hiểm đối với sức khoẻ con người. là loại chất kích thích tuyến thượng thận, điều tiết sinh trưởng động vật, thúc đẩy quá trình phát triển cơ bắp, làm tăng lượng thịt nạc và đẩy nhanh việc phân giải mỡ, giảm tối đa lượng mỡ hình thành trong cơ thể, chỉ để lại một lớp rất mỏng. Clenbuterol trộn vào thức ăn gia súc nhằm tạo ra vật nuôi siêu nạc, mau lớn. Clenbuterol có tác dụng đẩy nhanh quá trình đốt cháy mỡ, tăng cường phát triển cơ bắp nhưng dùng quá liều sẽ khiến cơ thể mang bệnh và có thể dẫn đến tử vong.

Việc ăn phải thịt lợn chứa chất Clenbuterol về lâu dài có thể gây biến chứng ung thư, ngộ độc cấp, run cơ, đau tim, tim đập nhanh, tăng huyết áp, choáng váng… Clenbuterol sẽ gây tổn hại cho hệ thần kinh, hệ tuần hoàn, thậm chí gây chết người. Đối với gia súc như lợn, con vật khi ăn phải chất này chỉ có thể tồn tại được quá nửa tháng là phải giết mổ.

Nếu lợn được kích nạc bằng Salbutamol thì cơ bắp, cơ mông, đùi rất chắc, nổi rõ. Salbutamol được hấp thụ dễ dàng qua đường tiêu hóa, là loại thuốc dùng cắt cơn hen, giãn phế quản, giãn cơ trơn. Salbutamol có thể gây nhược cơ, làm giảm vận động của cơ, khớp, khiến cơ thể phát triển không bình thường. Khi ăn thịt lợn có Salbutamol cũng giống như uống thuốc này. Lượng Salbutamol còn tồn dư trong thịt bao nhiêu sẽ được cơ thể người hấp thu bấy nhiêu.

Nếu người tiêu dùng ăn thịt heo có tồn dư hai chất nói trên thì lâu dần sẽ có nguy cơ bị ảnh hưởng xấu lên tim mạch, làm cho tim đập nhanh, tăng huyết áp, run cơ, rối loạn tiêu hóa… và có thể là nguy cơ cho những căn bệnh khác.

Ngoài ra chất Ethephon (thúc chín tố) để bảo quản thịt, các lái buôn đã sử dụng hóa chất này để bảo quản thịt gia súc, gia cầm sau giết mổ nhằm giữ độ tươi của thịt. Trong chế biến bảo quản thực phẩm có nguồn gốc động vật, chất này cũng bị cấm sử dụng.

Tuy nhiên những người chăn nuôi này cũng phải tính toán thật kỹ, bởi từ khi bắt đầu sử dụng “thần dược” cho đến khi heo xuất chuồng sẽ không quá nửa tháng. Nếu quá nửa tháng heo sẽ tự khuỵu chân vì loại thuốc đó sẽ làm cho xương giòn, quá trình di chuyển heo sẽ tự gãy chân, bán sẽ mất giá nên bằng mọi giá khi đã sử dụng thuốc thì sau nửa tháng buộc phải xuất chuồng. Nếu không xuất chuồng nhanh, không chỉ làm heo tự gãy chân mà khắp người con heo sẽ bắt đầu xuất hiện những vết lở rỉ nước…

 Đặc điểm rõ nhất khi dùng thuốc chỉ cần sang ngày thứ 2 là heo bắt đầu nở mông vai, tạo ra những thớ thịt săn chắc. Đến ngày thứ 3 heo sẽ ít di chuyển thường nằm ngủ li bì, sang ngày thứ 10 heo bắt đầu ăn đâu nằm đấy và kèm theo hiện tượng chân đứng không vững. Bước sang ngày thứ 15 thì bằng mọi giá phải xuất chuồng vì nguy cơ gãy chân rất cao. Đặc biệt, không chỉ nở mông vai và siêu tạo nạc, trữ nước, trong khoảng 15 ngày cho heo ăn loại hóa chất đó trọng lượng sẽ tăng vọt trung bình mỗi ngày lên 1,5 đến 2 kg....”.

3.jpg
Những con heo ăn phải hóa chất thì mông vai căng tròn, chân yếu 

Đặc điểm thịt theo siêu nạc: Khi heo còn sống, da có độ căng khác thường, trương mỏng, có cảm giác như ứ nước bên trong. Trên da còn xuất hiện đốm đỏ, heo đi đứng nặng nề, thậm chí còn bại liệt do xương bị mục. Heo có nạc nhiều vun cao (nạc gần sát với da), heo có mỡ ít, chỉ mỏng khoảng 0,4 cm (heo bình thường dày 1-1,5 cm). Thịt heo có màu đỏ như thịt bò, không còn mềm mại (thịt heo bình thường có màu hồng tự nhiên và mịn); khi nấu nướng bị mất chất béo và mùi vị thơm ngon. Loại thịt lợn ăn “bột siêu nạc” tích nước nhiều, thịt có độ ẩm cao, mặt cắt trên thớ thịt không được mịn, thớ ngắn, độ săn chắc kém. Tại bắp vai, đùi vật nuôi, lượng thịt nạc phát triển bất thường, u lên, màu đỏ au giống thịt bò.

III. CÁCH NHẬN BIẾT THỊT HEO CHỨA CHẤT CẤM

Chất cấm khi vào cơ thể vật nuôi khiến sợi cơ phình to ra mà không tăng DNA (Deoxyribonucleic acid, là một phân tử nucleic acid mang thông tin di truyền) trong tế bào sợi cơ, vì vậy chỉ làm cho thịt nạc trở nên khô, thô và nghèo chất béo, mất đi sự mềm mại, mất vị béo của thịt. Các loại thực phẩm như giò, chả lụa khi sử dụng thịt heo này để chế biến thường bị cứng mà không cần đến đến hàn the. Hầu hết những chất cấm trong chăn nuôi hiện nay là những hợp chất có nguồn gốc tổng hợp, nên đều có khả năng tồn dư trong thịt, không bị hư khi chế biến ở nhiệt độ cao như chiên, nướng… Trước tình trạng heo bị nhiễm chất kích nạc khiến người tiêu dùng tẩy chay sản phẩm này. Tuy nhiên loại thực phẩm này được dùng rất phổ biến và cần thiết cho cuộc sống nên người tiêu dùng cần phân biệt thịt heo chứa chất cấm và thịt heo giống siêu nạc để có thể chọn được loại thực phẩm an toàn để đảm bảo cho sức khỏe gia đình dựa vào những đặc điểm sau:

- Xem lớp mỡ bên dưới da miếng thịt, nếu lớp mỡ mỏng và lỏng lẻo nên tránh. Thông thường heo siêu nạc được ăn hóa chất nên lớp mỡ mỏng hẳn đi, có khi dày chưa đến 1cm, trong khi lớp mỡ của thịt lợn bình thường khoảng 1,5 - 2cm.

- Màu sắc: Thịt lợn có chứa các độc chất thuộc nhóm β- agonist thường có màu đỏ khác thường, sáng và bóng và có những quầng đỏ thâm dưới da.

- Thái miếng thịt ra từng đoạn dày bằng 2-3 ngón tay, nếu thấy thịt mềm, không đứng thẳng được trên bàn, khi dùng tay ấn vào miếng thịt và lấy ra thì miếng thịt không trở về hình dạng ban đầu chứng tỏ thịt heo này có độ đàn hồi kém.

- Quan sát xem chỗ liên kết giữa phần nạc và mỡ, nếu thấy tách rời rõ rệt, đồng thời có nước dịch màu vàng rỉ ra, chắc chắn đó là thịt siêu nạc có sử dụng hóa chất.

- Trong khi đó, thịt heo giống siêu nạc nuôi theo kỹ thuật thông thường sẽ có màu hồng tươi, khối thịt rắn chắc, có độ đàn hồi cao, các thớ thịt đều, khi chế biến có mùi thơm, không bị ra nước.

- Những con heo dùng một số loại chất cấm (tạo nạc, tăng trọng…), khi giết thịt thì thịt thường có màu đỏ sậm ngả sang đen, thịt mất đi tính hấp dẫn vốn có. Hoặc trên bề mặt da, đặc biệt ở các vị trí khớp, khuỷu… có những quầng chấm đỏ lan rộng, pha lẫn sậm đen. Đây là biểu hiện của vật nuôi bị hóa chất làm vỡ các mao mạch, khiến máu tung tóe ở phía dưới da, hệ quả của việc khi bị stress trước lúc giết mổ.

Nguồn: www.tinovn.com